Truy cứu pháp luật hình sự đối với trẻ em 14 tuổi

Nội dung bài viết:

Bên A nhiều lần dọa đánh bên B nếu không đưa tiền cho bên A. Bên B vì sợ bên A đánh nên đã nhiều lần lấy tiền của người nhà đưa cho bên A. Tổng số tiền là 14 triệu đồng. Trước khi bị tống tiền bên A nhiều lần đánh đập bên B gây tổn hại đến tinh thần. Cả A và B đều 14 tuổi. Sau khi bị người nhà phát hiện bên B báo với cán bộ địa phương thì bên A hẹn bên B nói chuyện, trước đó đã có mâu thuẫn với người phát hiện vụ việc. Cho em hỏi bên A đã phạm tội gì? Bên B có phải chịu trách nhiệm về hành vi lấy tiền của người nhà hay không ?

 

Thứ nhất: Đối với bên A, chúng ta xem xét hai hành vi của A như sau:

* Hành vi: A đã nhiều lần đe dọa đánh bên B nếu không đưa tiền cho A, nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản của bên B

Theo quy định tại Điều 12 Bộ Luật hình sự 2015 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

  1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

  2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:

a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);

b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);

c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);

d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);

đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);

e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự)”.

Đồng thời, Khoản 1, 2 điều 170 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:

  1. “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm”.

Như vậy, mặc dù A có hành động đe dọa dùng vũ lực với B nếu bên A không đưa tiền cho bên A, và tổng số tiền A đã đưa cho B là 14 triệu. Hành vi này của A thuộc vào nhóm tội phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, A mới chỉ 14 tuổi, pháp luật quy định A chỉ phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, trong trường hợp này, A không bị coi là có tội, không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính cho hành vi vi phạm của mình.

* Hành vi: Trước khi bị tống tiền, bên A đã nhiều lần đánh đập bên B và gây tổn hại đến tinh thần của bên B.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;

h) Có tổ chức;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;

m) Có tính chất côn đồ;

n) Tái phạm nguy hiểm;

o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Như vậy, mặc dù A đã nhiều lần đánh đập B, gây ra tổn hại về tinh thần cho bên B nhưng mức độ thương tật của bên B chưa đáng kể, thuộc vào trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng. Do A mới 14 tuổi nên không phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.

Về phía bên B, pháp luật không có quy định về việc chịu trách nhiệm đối với hành vi lấy tiền của người nhà nên bên B không phải chịu trách nhiệm gì đối với hành vi lấy tiền của người nhà. Có thể chỉ bị khiển trách vì không thông báo cho người nhà và các cán bộ địa phương, cơ quan công an về hành vi bị B đe dọa dùng vũ lực để hòng lấy tiền từ A.