– Theo Điều 16 Bộ luật dân sự 2015, “năng lực pháp luật dân sự” của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Như vậy trước hết, bé gái con của chị D. có năng lực pháp luật dân sự, là khả năng có quyền và nghĩa vụ dân sự.
Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015, người chưa đủ 6 tuổi không có “năng lực hành vi dân sự”. Như vậy, bé không có năng lực hành vi dân sự, tức không có khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, mà các giao dịch dân sự của bé (nếu có) phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Điều đó có nghĩa vợ chồng chị D./cá nhân chị/cá nhân chồng chị – là người đại diện theo pháp luật cũng đồng thời là người giám hộ của con chị – có thể thay con chị đứng ra xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, trong đó có giao dịch về nhà đất này.
Như vậy, nếu chị D. hoặc cha mẹ chị D. muốn con chị đứng tên chủ quyền nhà thì cha mẹ chị sẽ làm thủ tục tặng căn nhà cho con của chị, và khi xác lập giao dịch tặng cho nhà thì chị là người thay con chị đứng ra “nhận giùm” khối tài sản được tặng cho này. Khi đó, căn nhà coi như thuộc sở hữu của con chị chứ không phải của chị hay chồng chị, có lẽ ít nhiều sẽ bớt nỗi lo việc chồng chị tự ý đem nhà đi cầm cố.
Tuy nhiên, giải pháp này có điểm hạn chế là chị/vợ chồng chị sẽ khó xử lý căn nhà này trong trường hợp cần thiết, bởi pháp luật quy định về việc quản lý tài sản của người được giám hộ rất chặt chẽ, không dễ gì có thể định đoạt căn nhà này nếu không chứng minh được lý do chính đáng và phải vì lợi ích của con chị theo luật định… (Điều 59 Bộ luật dân sự).
Cũng cần lưu ý, theo Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình hiện hành thì “tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản (…) được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân (…) vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”. Như vậy, để tránh việc chồng chị khi được đứng tên chủ quyền chung với chị, tới lúc nào đó sẽ làm áp lực buộc chị phải cùng ký tên thế chấp nhà để… lấy tiền cá độ, nên chăng cha mẹ chị D. sẽ làm thủ tục tặng cho riêng chị căn nhà này để khi đó căn nhà thuộc sở hữu riêng, là tài sản riêng của chị D., chị D. được toàn quyền định đoạt chứ không phải ai khác, kể cả chồng chị, với điều kiện là chị không được yếu lòng để chồng chị lung lạc!