Tội tham ô tài sản

Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ Luật hình sự. Theo quy định của điều luật thì tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trong những trường hợp luật định.

Về dấu hiệu pháp lý:

  •   Khách thể: Cũng như các tội phạm về chức vụ khác, khách thể chính của tội tham ô tài sản là hoạt động đúng đắn, uy tín và hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức. Hành vi tham ô tài sản làm cho hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan rối loạn, hoạt động kém hiệu quả; hình ảnh cơ quan, tổ chức trong mắt người dân bị ảnh hưởng nặng nề; hành vi đó làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với cơ quan, tổ chức đó.
Ngoài ra, tội tham ô tài sản còn xâm phạm một khách thể quan trọng khác nữa là quan hệ sở hữu (tài sản của Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý). Thực tiễn cho thấy rằng, là người có chức vụ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, thông thường người tham ô tài sản thường chiếm đoạt một lượng lớn tài sản của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức.
Đối tượng của tội phạm tham ô không nhất thiết phải là tài sản của Nhà nước, mà còn có thể là tài sản của các tổ chức như tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng, cá nhân…miễn là tài sản đó thuộc trách nhiệm quản lý (trực tiếp hay gián tiếp) của người phạm tội (có chức vụ, quyền hạn).
  •   Mặt khách quan: thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do người phạm tội quản lý. Như vậy, mặt khách quan của tội tham ô tài sản đặc trưng bằng các hành vi sau đây:
Người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn mà mình có được làm phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm;
Chiếm đoạt tài sản do mình quản lý, tức chiếm giữ tài sản để sử dụng, định đoạt cho riêng mình làm mất đi một khối lượng tài sản nhất định của Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức mà người đó quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có thể được thực hiện bằng các hình thức khác nhau như lén lút, công khai…nhưng trong mọi trường hợp đều bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Về lý thuyết thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt (bằng bất kỳ hình thức nào) tài sản mà người đó quản lý đều là tội tham ô tài sản. Tuy nhiên, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn kết hợp với dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc …chiếm đoạt tài sản do mình quản lý (thường là gián tiếp) thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản (là tội nặng hơn).
Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người đó có trách nhiệm quản lý chỉ cấu thành tội phạm khi thỏa mãn một trong các điều kiện sau đây:
Tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai triệu đồng trở lên;
Tài sản bị chiếm đoạt dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như gây hậu quả nghiêm trọng (tham ô thuốc chữa bệnh tuy dưới hai triệu đồng nhưng vì không có thuốc điều trị kịp thời làm bệnh nhân chết); đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đây là các dấu hiệu quan trọng để phân biệt hành vi tham ô tài sản là tội phạm với hành vi tham ô là vi phạm kỷ luật, đảm bảo cho việc xử lý tội phạm tham ô chính xác, thống nhất.
  •  Chủ thể của tội phạm: là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tải sản. Những người khác chỉ có thể là đồng phạm tội tham ô.
 Chủ thể của tội tham ô là người có trách nhiệm quản lý tài sản. Trách nhiệm quản lý tài sản được thể hiện ở chỗ người đó có quyền hạn nhất định trong việc chiếm hữu sử dụng và định đoạt tài sản (thủ trưởng cơ quan…) hoặc tuy không có quyền hạn đó nhưng có trách nhiệm trông giữ, bảo quản tài sản đó (thủ kho, áp tải hàng hóa…). Trách nhiệm này xuất phát từ chức vụ của người phạm tội; nhưng cũng có thể từ chức trách được giao.
Cần phân biệt trách nhiệm quản lý tài sản với bảo vệ tài sản nhưng không có trách nhiệm gì về tài sản đó. Ví dụ: Người bảo vệ cơ quan có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho cơ quan, trong đó có bảo  vệ tài sản; nhưng không có trách nhiệm gì về quản lý tài sản đó. Vì vậy, người đó không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản.
  •  Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích phạm tội là tư lợi.

Về hình phạt:

Điều 353, Bộ Luật hình sự về tội tham ô tài sản quy định 4 khung hình phạt:
  •   Khung cơ bản có hình phạt được quy định là phạt tù từ 2 đến 7 năm;
  •   Phạm tội thuộc một trong các trường hợp được quy định ở Khoản 2 thì mức hình phạt được quy định là phạt tù từ 7 đến 15 năm. Các trường hợp đó là:
Có tổ chức;
Dùng thủ đoạn sảo quyệt, nguy hiểm. Dùng thủ đoạn sảo quyệt là dùng các thủ đoạn tinh vi để làm cho việc thực hiện tội phạm dễ dàng hơn hoặc che dấu tội phạm được tốt hơn, tránh sự phát hiện của cơ quan pháp luật. Dùng thủ đoạn nguy hiểm là trường hợp người phạm tội dùng các thủ đoạn phạm tội cũng như che dấu tội phạm có khả năng gây ra những thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng khác như thủ kho tham ô rồi đốt kho, tham ô thuốc chữa bệnh rồi dùng thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng rồi thế vào…
Phạm tội nhiều lần. Đây là trường hợp người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý hai lần trở lên mà mỗi lần tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên;
Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
Gây hậu quả nghiêm trọng khác như gây thiệt hại khác về tài sản, làm cho cơ quan thiếu tiền nghiêm trọng để thực hiện việc sản xuất kinh doanh…
  •   Theo quy định của khoản 3 thì nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả rất  nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.
  •   Hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình được quy định đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội tham ô tài sản còn bắt buộc bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm; có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản với tư cách là hình phạt bổ sung.

TÌM KIẾM TIN TỨC