Trong thời gian gần đây tình trạng tội phạm giết người nói chung và giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nói riêng đang diễn ra hết sức phức tạp.Bởi vậy để tránh oai sai trong quá trình xét xử tội phạm này, chúng ta cần phải xác định rõ cấu thành của tội này.
Điều 22, Bộ luật hình sự 2015 quy định:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Như vậy có thể thấy phòng vệ chính đáng đòi hỏi sự chống trả lại một cách cần thiết phù hợp với tính chất mức độ của hành vi tấn công. Khi vượt quá sự cần thiết phù hợp với mực độ đó thì được coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi nguy hiểm vì người phạm tội đã tước đoạt sinh mạng của người khác một cách trái pháp luật. Tuy hành vi của nạn nhân là nguy hiểm cho xã hội nhưng mức độ không cao vì động cơ phạm tội của họ là nhằm chống trả lại sự xâm hại, gây hại cho mình.
Cấu thành tội phạm của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
1. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là cá nhân, có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
2. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.
3. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Hành vi đó phải thỏa mãn một số yếu tố sau đây:
– Nạn nhân phải là người có hành vi phạm tội hoặc có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của bản thân người phạm tội hoặc của người khác.
– Hành vi phòng vệ của người phạm tội không tương xứng với mức nguy hiểm của hành vi xâm hại mà nạn nhân thực hiện, gây ra cái chết của nạn nhân.
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Đối với trường hợp thực hiện hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định của Bộ luật hình sự thì yếu tố lỗi ở đây là lỗi vô ý. Vì muốn ngăn chặn hành vi sai trái của nạn nhân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, quyền lợi ích hợp pháp của bản thân hoặc của người khác mà phạm tội.