Thủ tục đăng ký khai sinh

1.Thẩm quyền

– Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã), nơi người mẹ đăng ký hộ khẩu thường trú.
– Trong trường hợp người mẹ không có hộ khẩu thường trú (do đã cắt chuyển hộ khẩu tại nơi thường trú cũ, nhưng chưa đủ thủ tục, điều kiện để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi thực tế đang cư trú), đã đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ khẩu ở nơi cư trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú có thời hạn thực hiện việc đăng ký khai sinh.
– Trong trường hợp người mẹ có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhưng có lý do chính đáng không thể về nơi đó để đăng ký khai sinh cho con, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em sinh ra thực hiện việc đăng ký khai sinh.
– Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và không có điều kiện để đăng ký tại nơi trẻ em sinh ra, thì việc đăng ký khai sinh được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em thực tế đang sinh sống.
– Việc đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi bập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi.

2. Thủ tục

Người đi khai sinh nộp Giấy chứng sinh do cơ sở Y tế nơi trẻ em sinh ra cấp.
Nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở Y tế, thì Giấy chứng sinh được thay thế bằng văn bản xác nhận của người làm chứng hoặc của người chỉ huy, người điều khiển phương tiện giao thông, nếu sinh con trên các phương tiện giao thông.
Trong trường hợp không thể có người làm chứng, thì cha, mẹ hoặc người đi đăng ký khai sinh phải tự cam đoan về việc sinh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cam đoan đó
Người đi khai sinh phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a. Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em (nếu cha mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn);
b. Sổ hộ khẩu gia đình (hoặc Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn hoặc Giấy xác nhận cư trú của cơ quan Công an) của người mẹ; trong trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, thì thay thế bằng Biên bản xác nhận tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi (để xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh).
c. Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế của người đi đăng ký khai sinh.

3. Thời hạn

– Thời hạn đi đăng ký khai sinh:
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày sinh trẻ em, cha, mẹ, hoặc người thân thích, người có trách nhiệm phải khai sinh cho trẻ em; đối với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì thời hạn trên không quá 60 ngày.
– Thời hạn giải quyết việc đăng ký khai sinh
Giải quyết ngay khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ.

4. Việc sửa chữa sai sót trong nội dung Giấy khai sinh

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đăng ký khai sinh, nếu phát hiện có sai sót trong nội dung Giấy khai sinh do ghi chép của cán bộ hộ tịch – tư pháp hoặc do đương sự khai báo nhầm lẫn, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký khai sinh, được cấp lại cho đương sự Giấy khai sinh mới; bản cũ có sai sót phải thu hồi và hủy bỏ; số, ngày, tháng, năm đăng ký của Giấy khai sinh mới phải theo đúng như bản cũ; trong cột Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi bổ sung việc điều chỉnh, ngày, tháng, năm thực hiện và đóng dấu vào những nội dung đó điều chỉnh.

TÌM KIẾM TIN TỨC