Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, đánh giá tính đúng đắn hợp lý của báo cáo đánh giá tác động môi trường mà các chủ dự án đưa ra đối với tình hình kinh tế, môi trường thực tế tại địa phương (diễn ra dự án). Qua đó ra quyết định có phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không. Vậy ai có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với từng loại dự án? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây, vui lòng tham khảo để biết thêm chi tiết.

1. Khái niệm báo cáo đánh giá tác động môi trường

Căn cứ theo khoản 23 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014 thì:

Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.

Theo đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường là bản báo cáo chi tiết phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án đó

2. Quy định về Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

2.1 Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án sau:

  • Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
  • Dự án liên ngành, liên tỉnh (Ngoại trừ, dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh) bao gồm:
  • Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;
  • Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
  • Dự án do Chính phủ giao thẩm định.

2.2 Bộ cơ quan ngang bộ khác

Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình nhưng không thuộc đối tượng sau:

  • Dự án liên ngành, liên tỉnh (Ngoại trừ, dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh) bao gồm:
  • Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;
  • Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
  • Dự án do Chính phủ giao thẩm định.

2. 3Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình và các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.

2.4 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng quy định tại cục mục 1, 2, 3 nêu trên.

3. Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định do Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định (sau đây gọi tắt là cơ quan thẩm định) báo cáo đánh giá tác động môi trường thành lập.

Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường có ít nhất bảy (07) thành viên.

Hội đồng thẩm định có trách nhiệm:

  • Xem xét nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường;
  • Đưa ra ý kiến thẩm định để làm cơ sở cho cơ quan thẩm định xem xét, quyết định việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cơ cấu hội đồng thẩm định bao gồm:

  • Chủ tịch hội đồng;
  • 01 Phó Chủ tịch hội đồng trong trường hợp cần thiết;
  • 01 Ủy viên thư ký;
  • 02 Ủy viên phản biện và một số Ủy viên

Chú ý:

Trong đó phải có ít nhất ba mươi phần trăm (30%) số thành viên hội đồng có từ bảy (07) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường.