14/01/2021
Hợp đồng cho thuê váy cưới nói riêng hay hợp đồng thuê trang phục trong tổ chức đám cưới là hợp đồng được sử dụng khi các bên muốn xác lập giao dịch dân sự (cho thuê) bằng văn bản. Đa phần, các bên cho thuê váy cưới khi cho khách hàng thuê váy cưới đều sử dụng phiếu biên lai thu tiền có ghi một số thông tin liên quan đến việc cho thuê. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng các mẫu váy cưới thiết kế càng trở nên phổ biến, vì vậy để ràng buộc nghĩa vụ trách nhiệm của bên thuê một cách rõ ràng, các nhà thiết kế cần sử dụng hợp đồng cho thuê váy cưới được soạn thảo một cách cụ thể. Sau đây là những hướng dẫn từ ACC GROUP về soạn thảo hợp đồng cho thuê váy cưới:
1. Hợp đồng cho thuê váy cưới
Hợp đồng cho thuê váy cưới là hợp đồng giữa chủ sở hữu váy cưới và bên thuê bất kỳ. Tùy vào nhu cầu, mục đích của hợp đồng – việc thuê váy cưới là để mặc trong ngày tổ chức đám cưới hay thuê váy cưới để chụp hình ngoại cảnh, chụp hình trong nhà,…Đối tượng hợp đồng là váy cưới cũng rất đa dạng về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, … bất kỳ loại nào cũng có thể là đối tượng của hợp đồng. Tuy nhiên, đối tượng của hợp đồng – váy cưới phải là tài sản của bên cho thuê, đặc biệt cần lưu ý về quyền sở hữu của các thiết kế váy cưới. Hợp đồng cho thuê váy cưới là hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, chiếm hữu trong một khoảng thời gian, và chỉ có chủ sở hữu váy cưới mới có quyền này. Trong trường hợp người được chuyển giao, muốn chuyển giao bắt buộc phải có sự đồng ý của chủ sở hữu (Điều 188, 189-BLDS 2015)
Theo quy định hiện hành hợp đồng cho thuê váy cưới không bắt buộc phải lập thành văn bản hay công chứng, chứng thực. Tuy nhiên các nhà thiết kế, hay các bên cho thuê nên lập văn bản có chữ ký xác nhận của các bên về việc cho thuê, để giảm thiểu rủi ro liên quan đến váy cưới trong quá trình sử dụng và quản lý váy cưới.
Lưu ý:
- Giống như các hợp đồng dân sự khác, chủ thể của hợp đồng cho thuê váy cưới có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Bên cho thuê là đơn vị muốn khai thác công dụng tài sản-váy cưới để kinh doanh cho thuê. Bên thuê là bên có nhu cầu và có khả năng trả tiền thuê cho thời gian đã thuê. Đảm bảo chủ thể là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, pháp luật dân sự, là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Cho thuê váy cưới là chuyển giao quyền sử dụng, chiếm hữu trong một thời gian, chứ không phải là chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản. Vì vậy trong quá trình thuê váy cưới, bên thuê có trách nhiệm sử dụng váy cưới cho thuê đúng mục đích, công dụng đã thỏa thuận. Điều 480-BLDS 2015 quy định, “Trường hợp bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Việc sử dụng váy cưới không đúng mục đích trong hợp đồng, đặc biệt trong vấn đề liên quan đến pháp luật về sở hữu trí tuệ như: thuê để diễn các show diễn thời trang, thuê để sao chép mẫu thiết kế,… sẽ dẫn đến việc vi phạm bản quyền. Vì vậy hợp đồng cho thuê chính là căn cứ ràng buộc trách nhiệm của bên thuê đúng theo mục đích thuê.
- Vì tính chất, đặc điểm của váy cưới to, khồng khềnh, dễ bám bẩn, nên vấn đề hoàn trả tài sản – váy cưới sau khi thuê trong tình trạng ban đầu là rất khó. Bộ luật dân sự 2015, khoản 1 điều 482 quy định như sau “1. Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thoả thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên”. Nên về vấn đề trả lại váy cưới sau khi thuê, các bên nên thống nhất phương án để xử lý cho vấn đề này. Một số thỏa thuận như sau:
“Trong quá trình sử dụng váy cưới, bên thuê làm bẩn váy cưới đặc biệt là các vết bẩn khó tẩy rửa như rượu vang, thì bên thuê có nghĩa vụ trả thêm phí thuê váy cưới là …. VNĐ”
Hoặc
“Trong quá trình sử dụng váy cưới, bên thuê làm cháy, rách, hư hỏng,… váy cưới, thì bên thuê có nghĩa vụ trả thêm phí thuê váy cưới là … VNĐ”
Hoặc
“Trong sau khi thuê váy cưới, bên thuê làm mất váy cưới, thì bên thuê có nghĩa vụ bồi thường giá trị của váy cưới đã thuê”
- Dịch vụ cho thuê váy cưới thường sẽ đi kèm các phụ kiện hay dịch vụ về người hỗ trợ, dịchvụ trang điểm,.., nên khi soạn thảo hợp đồng, cần làm rõ các chi phí này. Nếu đã bao gồm trong phí thuê váy cưới, hoặc chưa bao gồm đều cần thể hiện cụ thể trong hợp đồng.
Ngoài các điều khoản mà các bên có thể thỏa thuận với nhau, thì hợp đồng của cần đảm bảo các điều khoản tiêu chuẩn của hợp đồng. Điều khoản tiêu chuẩn: Bảo mật, chuyển nhượng, thông báo, luật áp dụng, sửa đổi, vô hiệu, ngôn ngữ,…Các điều khoản tiêu chuẩn là các điều khoản được pháp luật quy định. Trong trường hợp khi soạn thảo hợp đồng mà các bên không thỏa thuận thì sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Mẫu hợp đồng cho thuê váy cưới
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——-
HỢP ĐỒNG THUÊ VÁY CƯỚI
- Căn cứ Bộ luật dân sự 2015
- Căn cứ vào thỏa thuận của các bên
Ngày/tháng/năm
BÊN A: BÊN THUÊ
Tên:
CMND số:
Địa chỉ thường trú:
Số điện thoại liên lạc:
BÊN B: BÊN CHO THUÊ
Địa chỉ:
Điện thoại:
Mã số thuế:
Người đại diện: Chức vụ :
Điều 1. Nội dung của hợp đồng
Bên A muốn thuê váy cưới và Bên B đồng ý cho Bên A thuê váy cưới như sau:
Mục đích: Tổ chức đám cưới hoặc chụp hình ngoại cảnh/trong nhà
Yêu cầu đối với váy cưới:
- Màu sắc:
- Kiểu dáng:
- Chất liệu:
- Số lượng:
- Phụ kiện đi kèm:
- Họa tiết:
Thời gian giao váy: ngày/tháng/ năm
Địa điểm giao váy: bên A/bên B/địa điểm khác hai bên thỏa thuận
Thời gian trả váy: ngày/tháng/ năm
Địa điểm trả váy: bên A/bên B/địa điểm khác hai bên thỏa thuận
Điều 2. Thời hạn thực hiện hợp đồng
Hợp đồng có giá trị trong thời gian …..ngày kể từ ngày …/…/…. Đến ngày …/…/…
Điều 3. Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán
3.1. Giá trị hợp đồng (Xem xét giá trị hợp đồng hay chi phí thuê váy cưới đã bao gồm các chi phí liên quan đến thuê phụ kiện đi kèm hay người hỗ trợ không?)
3.2. Phương thức thanh toán
Bên A sẽ thanh toán cho Bên B bằng 01 lần theo hình thức thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng của Bên B khi các bên ký kết hợp đồng.
- Tên tài khoản :
- Số tài khoản :
- Ngân hàng :
- Chi nhánh :
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của các bên A
- Bên A có quyền yêu cầu Bên B giao váy cưới đúng theo thỏa thuận tại Điều 1 của Hợp đồng
- Giữ gìn váy cưới trong thời gian thuê
- Khi đến hạn trả váy, Bên A có nghĩa vụ đem váy đi trả theo đúng và địa điểm đã thỏa thuận
- Trong quá trình sử dụng, nếu Bên A làm hư hỏng váy cưới của Bên B mà có thể sửa chữa được thì Bên A sẽ phải chịu toàn bộ chi phí sửa chữa. Trường hợp Bên A làm hỏng váy mà không thể sửa chữa được thì Bên A phải thanh toán cho Bên B toàn bộ giá trị bộ váy.
- Thanh toán đầy đủ, đúng hạn như quy định của hợp đồng này.
- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của các bên B
- Bên B có nghĩa vụ giao váy cưới theo đúng thỏa thuận tại Điều 1 của Hợp đồng
- Yêu cầu Bên A thanh toán đầy đủ , đúng hạn theo thỏa thuận
- Đảm bảo váy không bị hỏng hoặc lỗi trong suốt thời gian Bên A thuê
- Trong quá trình thuê, nếu Bên A gây ra lỗi hư hại đối với váy cưới thì Bên B có quyền yêu cầu Bên A chịu trách nhiệm với toàn bộ bộ chi phí sửa chữa cần thiết .
- Bên B có trách nhiệm cung cấp Hóa đơn tài chính hợp lệ cho Bên A
- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
Điều 7. Phạt vi phạm hợp đồng
Các Bên thỏa thuận hình thức xử lý vi phạm Hợp đồng như sau:
- Trường hợp một bên vi phạm bất kì điều khoản được quy định trong Hợp đồng, bên vi phạm phải chịu một khoản tiền phạt theo thỏa thuận nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ Hợp đồng bị vi phạm;
- Trong trường hợp một trong hai bên đơn phương huỷ bỏ hợp đồng mà không do lỗi của Bên kia thì bên hủy bỏ Hợp Đồng thì sẽ phải chịu phạt 8% tổng giá trị hợp đồng .
- Hai bên sẽ không bị coi là vi phạm Hợp đồng khi không thực hiện nghĩa vụ của mình trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, bao gồm nhưng không giới hạn các sự kiện sau: Chiến tranh, hỏa hoạn, các thảm họa tự nhiên, dịch bệnh, sự ngăn cấm của cơ quan nhà nước, v.v… Tuy nhiên, trường hợp bất khả kháng không ảnh hưởng đến nghĩa vụ thanh toán hoặc bồi hoàn chi phí mà phía bên kia được hưởng trước khi xảy ra trường hợp nêu trên.
Điều 6. Chấm dứt hợp đồng
Các Bên thỏa thuận các trường hợp chấm dứt Hợp đồng như sau :
- Các bên hoàn thành trách nhiệm của mình và không có thỏa thuận khác
- Theo thỏa thuận của các bên
- Trường hợp Bên B chậm giao váy cho Bên A sau …. ngày kể từ ngày đến hạn giao váy (không có thông báo trước) thì Bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp này, Bên B phải chịu một khoản tiền bồi thường thiệt hại là …. triệu đồng
- Trường hợp Bên A chậm thanh toán cho Bên B sau …. ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng (không có thông báo trước) thì Bên B có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp này, Bên A phải chịu môt khoản tiền bồi thường do gây thiệt hại là ….. triệu đồng.
Điều 7. Giải quyết tranh chấp hợp đồng
Các bên cam kết thực hiện các điều khoản đã ghi trong hợp đồng, trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh tranh chấp sẽ được giải quyết trước bằng phương thức thương lượng đàm phán. Trường hợp một bên hoặc các bên không thể tự thương lượng được sẽ do Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Khi giải quyết tranh chấp thì bản hợp đồng bằng Tiếng Việt sẽ được ưu tiên sử dụng .
Điều 8. Quy định chung
Hợp đồng này được lập thành 02 bản mỗi bên giữ 01 bản. Hợp đồng có giá trị pháp lý như nhau .
Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký .
BÊN A
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
BÊN B
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
3. ACC GROUP là công ty chuyên cung cấp dịch vụ soạn thảo Hợp đồng cho thuê váy cưới
Trình tự thực hiện của ACC Group như sau:
- Thu thập thông tin khách hàng để tiến hàng tư vấn cụ thể và chi tiết;
- Hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ, thông tin cơ bản để ACC soạn thảo hồ sơ;
- Tiến hành soạn thảo hồ sơ khi đã nhận đủ thông tin khách hàng cung cấp;
- Trao đổi, tư vấn cho khách hàng những điểm cần lưu ý trong hợp đồng;
- Bàn giao kết quả và thanh lý hợp đồng.
Trên đây là một số thông tin hướng dẫn về soạn thảo hợp đồng cho thuê váy cưới cập nhật quy định 2020.