Rút tiền bảo hiểm xã hội

Tôi quê ở Cần Thơ, 25 tuổi, lên TP.HCM làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân  được bốn năm (theo hai hợp đồng lao động liên tục, hợp đồng thứ hai ký ngày 16-5-2004), tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ. Nay do hoàn cảnh gia đình nên tôi có ý định trở về quê giúp việc nhà. Trong trường hợp này tôi được nhận lại số tiền BHXH đã đóng tại TP.HCM hay không? (Nguyễn Thị Nga – Q.Thủ Đức)

Trước tiên, bạn cần hiểu rằng trong mọi trường hợp bạn sẽ không được nhận lại toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp và bạn đã đóng BHXH cho bạn (vì đây không phải là tiền gửi tiết kiệm), mà chỉ được hưởng các chế độ BHXH trong những trường hợp nhất định với những mức hưởng cụ thể được quy định tại điều lệ BHXH hiện hành. Theo tôi hiểu, nguyện vọng của bạn là muốn nhận trợ cấp BHXH một lần trước khi trở về quê sinh sống.

Nếu theo quy định trước đây (từ ngày 1-1-1995 đến 31-12-2002 theo điều lệ BHXH ban hành kèm theo nghị định 12/CP ngày 26-1-1995), nếu có nguyện vọng, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp BHXH một lần. Nhưng với chủ trương động viên mọi người có khả năng lao động tích cực tham gia hoạt động lao động xã hội nhằm hạn chế tình trạng thất nghiệp, và góp phần ổn định cuộc sống của bản thân người lao động khi hết tuổi lao động, Nhà nước đã ban hành một số văn bản sửa đổi quy định cũ.

Theo các văn bản khác người lao động chỉ được hưởng trợ cấp BHXH một lần trong những trường hợp sau đây:

  1. Người lao động đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ, nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH.
  2. Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo khoản 2 điều 25 điều lệ BHXH (tức nam 55, nữ 50) nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
  3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% do ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
  4. Người định cư hợp pháp ở nước ngoài (là người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xuất cảnh để sinh sống ở nước ngoài).
  5. Người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn đã giao kết đúng qui định của pháp luật lao động trước ngày 1-1-2003 mà chấm dứt hợp đồng lao động sau ngày 1-1-2003 (nếu có đơn tự nguyện).

Như vậy, bạn không thuộc một trong năm trường hợp trên do thời điểm ký hợp đồng cuối là sau ngày 1-1-2003 (tức ngày bắt đầu có hiệu lực của các qui định mới). Nên khi bạn nghỉ việc, cơ quan BHXH sẽ xác nhận trong sổ BHXH của bạn thời gian đóng BHXH, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và giao sổ BHXH cho bạn quản lý.

Sau đó, nếu bạn tìm được việc làm mới thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì tiếp tục đóng BHXH để có thể hưởng chế độ hưu trí hằng tháng sau này khi đủ điều kiện (mang tính thường xuyên, ổn định hơn). Nhưng nếu bị ốm đau (có xác nhận của bệnh viện) hoặc sau sáu tháng không tiếp tục làm việc và đóng BHXH, và khi có nguyện vọng, bạn có thể làm đơn gửi đến BHXH nơi bạn đang cư trú để giải quyết trợ cấp BHXH một lần với mức: một năm đóng BHXH bạn được hưởng một tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.