14/02/2021
Vừa qua tôi có đọc một bài báo và rất thắc mắc về điều này xin luật sư giải đáp giúp tôi: Tại sao mẹ giết con mới đẻ thì chịu trách nhiệm hình sự về tội giết con mới đẻ còn cha thì không, và nếu cha giết con mới đẻ thì phạm tội gì?
Trả lời:
Sau khi sinh, người mẹ thường có những thay đổi đáng kể về tâm sinh lý, nhiều trường hợp mắc trầm cảm sau sinh. Do đó mà đã có trường hợp chính người mẹ đã giết hoặc vứt đứa con mình mới sinh ra. Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội giết hoặc vứt con mới đẻ như sau:
Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
“1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Các yếu tố cấu thành tội phạm
* Khách thế của tội phạm: Hành vi này xâm phạm quyền sống của con người, cụ thể con mới đẻ (trong vòng 7 ngày), xâm phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đặc biệt là tình mẫu tử.
* Mặt khách quan của tội phạm:
– Đối tượng tác động: con mới đẻ. Đứa trẻ phải chính do người phụ nữ đó sinh ra và trong vòng 7 ngày tuổi trở lại. Nếu ngoài 7 ngày tuổi thì không cấu thành tội này.
– Hành vi phạm tội: người mẹ thực hiện thông qua 2 hành vi sau:
+ Hành vi giết con mới đẻ: được thực hiện bằng hành động ví dụ như bóp cổ, thắt cổ, đâm, chém, chôn đứa trẻ… hoặc không hành động như không cho con mình bú sữa, không cho con mình uống thuốc khi ốm đau,…
+ Hành vi vứt con mới đẻ: là hành vi của người mẹ để đứa trẻ ở nơi xa rời sự chăm sóc của mình. Ví dụ để ở cổng bệnh viện, nhà chùa, ở chợ… nhưng không mong muốn đứa trẻ chết.
– Hậu quả: Đứa trẻ mới đẻ bị giết hoặc bị vứt bỏ phải bị chết thì người mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết con mới đẻ, nếu người mẹ có hành vi tước đoạt tính mạng đứa trẻ hoặc có hành vi vứt con mới đẻ, nhưng đứa trẻ không bị chết thì chưa cấu thành tội giết con mới đẻ và như vậy tội giết con mới đẻ không có trường hợp phạm tội chưa đạt.
* Chủ thể của tội phạm: Là người mẹ mới sinh con, đang còn trong trạng thái tâm sinh lý không bình thường do tác động của việc sinh con, từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
– Lỗi: Trường hợp giết con mới đẻ thì người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, còn với trường hợp vứt con mới đẻ thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp.
– Động cơ phạm tội: việc giết con là do hoàn cảnh bất đắc dĩ, do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt khác.
Hình phạt: Có 2 khung hình phạt:
– Khung 1: phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng trong trường hợp người phạm tội là người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi.
Khung 2: phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, áp dụng trong trường hợp người phạm tội là người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết.
Trên đây là những phân tích của người viết về cấu thành tội phạm của tội giết hoặc vứt con mới đẻ.
Thứ nhất : Chỉ người mẹ mới là chủ thể của tội giết con mới đẻ vì:
Căn cứ vào Điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội giết con mới đẻ:
“1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt. Bởi lẽ chỉ có người mẹ mới có thể lâm vào tình trạng tâm sinh lý không bình thường do tác động của việc sinh con trong khoảng thời gian là 7 ngày( theo hướng dẫn tại Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao) kể từ ngày sinh con kết hợp với hoàn cảnh bất đắc dĩ (do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc do hoàn cảnh đặc biệt khác) mà giết con mới để hoặc vứt bỏ đứa con mới đẻ dẫn đến hậu quả chết người. Còn cha thì không thể lâm vào hoàn cảnh như vậy được.
Thứ 2 : Nếu cha giết con mới để thì cấu thành tội giết người quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự. Hoặc tùy vào tính chất của trạng thái khi thực hiện hành vi mà xử theo các tội khác nhau như điều 125, 126 Bộ luật hình sự.