Quy định bồi thường thiệt hại luật quốc tế 2020.

Trong quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế, thì vấn đề bồi thường thiệt hại là vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của các bên. Do đó đây là vấn đề rất được quan tâm khi giao kết hợp đồng. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các quy định về bồi thường thiệt hại luật quốc tế.

1. Khái niệm và đặc điểm của chế định bồi thường thiệt hại luật quốc tế.

Chế định bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự các nước nói chung, của Việt Nam nói riêng, nhằm bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại do sự vi phạm của bên có nghĩa vụ từ chủ thể khác. Ở mỗi quốc gia có những quy định khác nhau về chế định này, song hầu như đều thống nhất theo nguyên tắc: “Người nào gây ra thiệt hại thì phải bồi thường”.

2. Về phạm vi thiệt hại được đền bù theo luật quốc tế

Công ước CISG thì quy định thiệt hại bao gồm những tổn thất. Khoản lợi đáng lẽ được hưởng (lợi tức bị mất) cũng được tính là tổn thất. Đối với phạm vi thiệt hại được bồi thường trên, Bộ nguyên tắc Unidroit có những quy định chi tiết hơn và phạm vi bồi thường rộng hơn6.

  • Cụ thể, thứ nhất, Bộ nguyên tắc Unidroit ở Điều 7.4.2 quy định nguyên tắc bồi thường toàn bộ, bao gồm cả những thiệt hại vật chất (tổn thất và lợi ích bị mất đi) và cả những thiệt hại phi tiền tệ bắt nguồn đặc biệt từ nỗi đau thể chất hoặc tinh thần trong đó có thiệt hại do mất uy tín (loại thiệt hại mà bên bị thiệt hại đòi bồi thường trong một số tranh chấp điển hình7). Công ước Viên không có quy định cụ thể về loại thiệt hại này. Bên cạnh đó, Công ước tại Điều 5 còn quy định loại trừ việc áp dụng Công ước cho những thiệt hại do người chết hoặc bị thương.

Một loại chi phí cần được xem xét xem có thuộc phạm vi của thiệt hại được bồi thường hay không đó là chi phí luật sư – vấn đề gây nhiều tranh cãi trong nhiều năm gần đây, khi mà cả ba nguồn luật trên đều không có quy định chi tiết. Và thực tiễn khi nghiên cứu các phán quyết về những tranh chấp thương mại điển hình, có thể thấy rằng những yêu cầu về bồi thường chi phí luật sư thường bị bác (một phần nguyên nhân là bên bị thiệt hại không đưa ra được các chứng cứ chứng minh).

  • Thứ hai, Bộ nguyên tắc Unidroit còn có những điểm chi tiết hơn so với hai nguồn luật còn lại nữa là việc tính đến khoản lợi cho bên có quyền từ một khoản chi phí hay tổn thất tránh được với mục đích làm cho việc bồi thường thiệt hại không được làm lợi cho bên có quyền. Trong khi đó, Công ước CISG không có quy định cụ thể về vấn đề này.

3. Về tính dự đoán trước theo bồi thường vi phạm luật quốc tế.

Công ước CISG theo thuyết tính dự đoán trước của thiệt hại khi nêu cụ thể rằng thiệt hại phải là những tổn thất mà bên vi phạm hợp đồng đã dự đoán được hoặc buộc phải dự đoán trước được trong thời điểm ký kết hợp đồng như là hậu quả có thể xảy ra đối với vi phạm hợp đồng đó. Bộ nguyên tắc Unidroit cũng có những quy định cụ thể về tính dự đoán trước của thiệt hại ở Điều 7.4.4: “Bên có nghĩa vụ chỉ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà mình đã dự đoán trước hoặc đã có thể dự đoán trước một cách hợp lý, vào thời điểm giao kết hợp đồng như một hậu quả có thể xảy ra từ việc không thực hiện”.

4. Về giá trị tính toán của các khoản bồi thường thiệt hại luật quốc tế

Công ước CISG và Bộ nguyên tắc Unidroit có phương thức tính toán thiệt hại gần giống nhau trong trường hợp hợp đồng bị hủy. Điều 75 Công ước CISG đưa ra cách tính toán thiệt hại trong trường hợp hợp đồng bị hủy và bên bị vi phạm đã ký một hợp đồng thay thế. Lúc này bên bị thiệt hại sẽ được bồi thường khoản chênh lệch giữa giá theo hợp đồng và giá của giao dịch thay thế. Điều 76 đưa ra cách tính toán thiệt hại trong trường hợp hủy hợp đồng nhưng bên bị thiệt hại đã không ký hợp đồng thay thế. Bộ nguyên tắc Unidroit cũng có những điều khoản tương tự là Điều 7.4.5 và 7.4.6.

5. Về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại để xác định bồi thường thiệt hại luật quốc tế

Bộ nguyên tắc Unidroit thì đòi hỏi ở Điều 7.4.3 rằng “những thiệt hại chỉ được bồi thường khi chúng được thiết lập với một mức độ hợp lý về tính xác thực”. Bộ nguyên tắc của Unidroit còn quy định thêm trường hợp “khi không thể thiết lập với một mức độ đầy đủ tính xác thực về khoản tiền bồi thường thì thiệt hại được xác định tùy theo Tòa án”. Về vấn đề trên, Công ước CISG như đã đề cập không quy định về tính xác thực của thiệt hại và cũng không xác định mức độ mà bên bị thiệt hại cần chứng minh về tổn thất được đền bù.

Trên đây là những nội dung liên quan đến bồi thường thiệt hại luật quốc tế mà ACC muốn gửi tới quý khách hàng. Để được tư vấn cụ thể thắc mắc của mình, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được phục vụ.