Tìm hiểu Quốc phòng là gì?

Quốc phòng là gì? Vai trò của quốc phòng là gì?

– Dưới góc độ nghiên cứu chung, có thể hiểu quốc phòng là tâp hợp những hành động, hoạt động tổ chức, thực hiện của một quốc gia nhằm mục đích bảo vệ, ngăn chặn mọi nguy cơ xâm lược của quốc gia khác, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của quốc gia, dân tộc.

Nhằm hiện thực hóa vai trò của quốc phòng, Luật Quốc phòng 2018 ra đời, theo đó, quốc phòng được hiểu là:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

=> Từ đây, có thể nhận thấy, quốc phòng có nhiệm vụ chính là giữ nước. Giữ nước được hiểu là bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia đối với đất đai, vùng trời, vùng biển, thềm lục địa…

Để bảo vệ, giữ được toàn vẹn lãnh thổ thì quốc phòng lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng và phải huy động toàn bộ tiềm lực quốc phòng (toàn bộ khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước).

– Tầm quan trọng của quốc phòng đối với mỗi quốc gia, dân tộc được thể hiện thông qua những khía cạnh sau đây:

+ Quốc phòng là yếu tố then chốt, là nhân tố mang tính quyết định đến sự an toàn, tồn vong của một dân tộc, vùng lãnh thổ. Chỉ khi quốc gia, vùng lãnh thổ độc lập, an toàn thì mới có căn cứ để phát triển kinh tế, xã hội, chính trị.

+ Quốc phòng là cách để bảo vệ tốt nhất thành quả độc lập của quốc gia cũng như là phương pháp để tấn công những nhân tố xâm phạm đến quyền chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Pháp luật quốc tế không cho phép việc xâm lược, tấn công một quốc gia khác mà cho phép quốc gia được quyền tự vệ (Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc) và cho phép trả đũa, đáp trả nếu quốc gia bị tấn công từ bên ngoài.

Vì vậy, có thể nhận định, quốc phòng là xương sống trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ đất nước cũng như là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội.

Tiềm lực quốc phòng của mỗi quốc gia có được từ nhân tố nào?

Để có thể bảo vệ, gìn giữ đất nước, quốc gia thì nền quốc phòng phải vững mạnh, mà muốn vững mạnh thì nền quốc phòng phải phụ thuộc các nhân tố cấu thành.

Dưới góc độ pháp lý, khoản 2 Điều 2 Luật Quốc phòng 2018 quy định tiềm lực của quốc phòng là tập hợp khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước.

Suy rộng ra, các yếu tố tạo thành này có thể được phân tích cụ thể như sau:

– Nhân lực: Chỉ con người, chính xác hơn là số lượng, chất lượng, trình độ của con người khi thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng. Nói rộng ra, thì đây chính là một trong những bộ phận cấu thành sức mạnh quân sự. Sức mạnh quân sự phản ánh khả năng bảo vệ, gìn giữ và giải quyết những xung đột với các quốc gia, vùng lãnh thổ có ý định xâm lược khác;

– Vật lực: Dùng để chỉ toàn bộ những công cụ, phương tiện…hữu hình như tàu, súng, đạn dược,…để thực hiện các mục tiêu quốc phòng;

– Tài chính: Để chỉ tiền bạc chi tiêu cho quốc phòng. Tiền đầu tư vào quốc phòng phải đúng, phù hợp, mang lại hiệu quả tối ưu;

– Tinh thần: Sự đoàn kết, tin tưởng, cùng chung lý tưởng, ý chí. Đây cũng là nhân tố vô cùng quan trọng để tạo nên sức mạnh quốc phòng của mỗi quốc gia.

Ngoài 4 nhân tố quan trọng trên, còn một vài nhân tố khác cũng có ảnh hưởng/tác động rất lớn đến nền quốc phòng của mỗi quốc gia, dân tộc, gồm:

– Địa hình, cảnh quan tự nhiên: Đây là yếu tố tự nhiên, khách quan nhưng cũng là một trong những nhân tố giúp quốc gia đó có các cách triển khai, tổ chức quốc phòng phù hợp. Các lợi thế về tự nhiên có thể được sử dụng để làm ưu thế cho việc phòng vệ;

– Kích thước lãnh thổ: Kích thước, diện tích lãnh thổ liên quan đến việc lựa chọn phương án bố trí phòng thủ, tự vệ hoặc tấn công khi có xâm lược. Rõ ràng rằng, những quốc gia có diện tích rộng lớn sẽ có nhiều phương án phòng thủ, tự vệ hơn so với các quốc gia có diện tích nhỏ hơn;

– Vị trí tiếp giáp: Vị trí tự nhiên của quốc gia, vị trí tiếp giáp cũng là lợi thế hoặc bất lợi trong việc thực hiện các hoạt động quốc phòng. Ví dụ, quốc gia tiếp giáp với đất liền nhiều hơn tiếp giáp biển thì thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng phải khác so với quốc gia chỉ tiếp giáp với biển/chỉ tiếp giáp với đất liền;

– Khả năng/tiềm lực kinh tế: Kinh tế lớn mạnh thì mới có thể hỗ trợ cho quốc phòng lớn mạnh được. Phải có nguồn tài chính, nguồn tiền để đầu tư, nâng cấp phương tiện, trang thiết bị cho quốc phòng;

Như vậy, tiềm lực quân sự được cấu thành bởi các nhân tố đã nêu trên.