Luật đấu thầu là hệ thống quy định và quy tắc pháp luật được áp dụng để điều chỉnh quá trình mua sắm hàng hóa, dịch vụ và công trình công cộng thông qua quá trình đấu thầu. Nó đảm bảo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả trong việc lựa chọn nhà cung cấp và thực hiện hợp đồng mua sắm của các tổ chức công cộng, bao gồm các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính công.
Luật đấu thầu quy định các quy trình, quy định và tiêu chuẩn trong việc tổ chức, thông báo, nghiên cứu, đánh giá, chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và quản lý hợp đồng mua sắm. Nó yêu cầu việc đảm bảo sự cạnh tranh, công bằng và không phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp, tạo điều kiện cho sự tham gia của nhiều nhà thầu có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc thực hiện công trình công cộng.
Mục tiêu chính của luật đấu thầu là đảm bảo sự tiết kiệm, hiệu quả và chất lượng trong việc sử dụng nguồn lực công cộng. Nó giúp ngăn ngừa sự lãng phí và tham nhũng trong quá trình mua sắm, tạo điều kiện cho sự đầu tư công hiệu quả và đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên công cộng.
Ngày 26/11/2013, Quốc hội ban hành Luật số 43/2013/QH13 quy định quản lý nhà nước về đấu thầu; trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động đấu thầu, gọi chung là Luật Đấu thầu 2013.
Luật Đấu thầu 2013 được ban hành với 96 Điều luật tại 13 Chương khác nhau.
Tính tới thời điểm hiện nay, chưa có văn bản hay thông báo chính thức nào về việc có văn bản luật đấu thầu mới nhất thay thế Luật Đấu thầu 2013 hiện hành.
Do đó, trong năm 2023, Luật Đấu thầu 2013 vẫn được tiếp tục đưa vào sử dụng.
Sau gần 10 năm có hiệu lực, Luật Đấu thầu 2013 đã có tổng cộng 18 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện.
Cụ thể bao gồm các văn bản sau:
– Thông tư 10/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin và lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
– Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
– Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư
– Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;
– Quyết định 17/2019/QĐ-TTg về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành;
– Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
– Thông tư 05/2018/TT-BKHĐT hướng dẫn lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành (Hết hiệu lực: 16/09/2022);
– Công văn 2683/BKHĐT-QLĐT năm 2018 quy định đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
– Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT về quy định chi tiết việc cung cấp thông tin về đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
– Thông tư 16/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành (Hết hiệu lực: 05/11/2020);
– Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (Hết hiệu lực: 01/01/2022);
– Thông tư 03/2016/TT-BKHĐT Quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành (Hết hiệu lực: 11/03/2019);
– Thông tư 19/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập báo cáo thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
– Quyết định 2468/QĐ-BTC năm 2015 hướng dẫn Quy định của pháp luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu trong nội bộ ngành tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
– Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
– Nghị định 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Hết hiệu lực: 20/04/2020);
– Công văn 4054/BKHĐT-QLĐT năm 2014 thực hiện Luật đấu thầu 43/2013/QH13 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
– Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Luật Đấu thầu 2013 đã bị sửa đổi, bổ sung bởi 05 văn bản sau:
– Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022;
– Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020;
– Luật Kiến trúc 2019;
– Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017;
– Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2016.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2016 đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Do vậy, hiện nay chỉ còn lại 04 văn bản sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu 2013.
Để thuận tiện theo dõi, tra cứu, ngày 25/01/2022 Văn phòng quốc hội đã ban hành Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH năm 2022 hợp nhất Luật Đấu thầu kết hợp từ 06 văn bản:
– Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022;
– Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020;
– Luật Kiến trúc 2019;
– Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017;
– Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2016 (Hết hiệu lực: 01/01/2021);
– Luật đấu thầu 2013.