Nội dung bài viết:
Điều 26 Luật cán bộ, công chức 2008 có quy định về việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức như sau:
“Điều 26. Điều động, luân chuyển cán bộ
1. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch cán bộ, cán bộ được điều động, luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.
2. Việc điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.”.
Hiện, Bộ luật lao động 2012 không có điều, khoản nào quy định về việc điều động người lao động đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn đến làm việc cho một đơn vị khác (người sử dụng lao động khác) mà chỉ quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động tại Điều 36; người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng tại Điều 37 và người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điều 38.
Theo các quy định trên, người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn không phải là cán bộ, công chức nhà nước. Vì vậy, người lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, hoặc cũng có thể thỏa thuận với chủ sử dụng lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, tổ chức từ một năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo Điều 48 Bộ luật lao động 2012 như sau:
“Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”
Vậy, theo các quy định trên nếu doanh nghiệp Nhà nước chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật (theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36) và bạn đã có thời gian làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp này 12 tháng trở lên thì đương nhiên sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 48 Bộ luật lao động 2012 cho thời gian làm việc tại doanh nghiệp và ngược lại (lưu ý: cần phải đáp ứng cả hai điều kiện trên)
Về mức trợ cấp: Theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 48 Bộ luật lao động, mức trợ cấp thôi việc tùy thuộc vào thời gian người lao động làm việc cho người sử dụng lao động và mức lương làm căn cứ tính trợ cấp của người lao động, cứ mỗi năm người lao động thực tế làm việc cho người sử dụng lao động được trợ cấp bằng một nửa tháng lương.
Theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 48 Bộ luật lao động, trợ cấp thôi việc của người lao động được tính theo công thức sau:
Mức trợ cấp thôi việc = Thời gian tính trợ cấp x (tiền lương tính trợ cấp / 2)
Trong đó:
– Thời gian tính trợ cấp được tính bằng tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp (nếu có) và thời gian làm việc của người lao động đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc (nếu có).
– Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.