Hộ kinh doanh là gì? Một số quy định về hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp nhỏ được thành lập và điều hành bởi một cá nhân hoặc một gia đình. Hộ kinh doanh thường được đăng ký với cơ quan chức năng, chẳng hạn như Phòng Đăng ký kinh doanh, để được công nhận và hoạt động hợp pháp.

Người sở hữu hộ kinh doanh chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm về tài chính, quản lý, sản xuất và cung cấp dịch vụ. Hộ kinh doanh có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, bao gồm thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp nhỏ, và nghề tự do.

Một số lợi ích của hộ kinh doanh bao gồm quyền kiểm soát hoàn toàn về quyết định kinh doanh, quyền chủ động trong việc quản lý tài chính và mức thuế thấp hơn so với các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, hộ kinh doanh thường có quy mô nhỏ và hạn chế về tài nguyên và khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp lớn hơn.

1. Hộ kinh doanh là gì?

Hiện nay không có quy định nào định nghĩa về hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.

2. Chủ hộ kinh doanh

Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì chủ hộ kinh doanh là một trong các đối tượng sau:

– Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh;

– Người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

3. Ai được thành lập hộ kinh doanh?

Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp sau đây:

– Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Lưu ý:

+ Cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

+ Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

(Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

4. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh

– Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.

– Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

(Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)