Giám định suy giảm khả năng lao động 

Để hưởng lương hưu sớm trước độ tuổi quy định cũng như hưởng chế độ tai nạn lao động cần giám định mức suy giảm khả năng lao động.

 

Việc giám định suy giảm khả năng lao động với người lao động được quy định rõ trong Thông tư số 56/2017/TT-BYT hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tế. Theo đó, Điều 2 Thông tư này quy định:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

“1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội và Điều 43 của Luật an toàn vệ sinh lao động.

2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này đang bảo lưu thời gian đóng bảo him xã hội hoặc người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đà có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

3. Người đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ tử tuất là thân nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là thân nhân người lao động).”

Tùy vào từng trường hợp giám định mà ta cần chuẩn bị thành phần hồ sơ, giấy tờ, thủ tục, thời hạn nộp hồ sơ giám định.

Ứng với mỗi mục đích là mỗi cá nhân, tổ chức khác nhau có trách nhiệm lập hồ sơ và thực hiện việc giám định. Không phải trường hợp nào cũng đều chỉ do người lao động có trách nhiệm lập hồ sơ mà trách nhiệm cũng xuất phát từ phía người sử dụng lao động.

Ngoài ra, Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 cùng với Luật bảo hiểm xã hội năm 2017 mới có hiệu lực cũng giúp chúng ta xác định được mục đích của việc giám định là để được hưởng các mức trợ cấp khác nhau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ai là người đủ điều kiện được về hưu trước tuổi, mức độ suy giảm khả năng lao động là bao nhiêu,….

Ví dụ, Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện để về hưu trước tuổi khi bị suy giảm khả năng lao động:

“Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;

b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.”

Theo đó, người lao động muốn biết được mình có đủ điều kiện để về hưu trước tuổi hay không cần đi giám định suy giảm khả năng lao động.