Giả mạo chữ ký vợ để vay tiền ngân hàng

Nội dung bài viết:

Tôi kết hôn và sống chung với chồng được 2 năm thì cha mẹ tôi có cho tiền tôi mua đất, toàn bộ số tiền mua đất đều là của tôi bỏ ra và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện đang do tôi đứng tên. Chồng tôi thường xuyên say xỉn và đánh vợ, anh ta còn lấy trộm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tôi, giả mạo chữ ký của tôi để đến ngân hàng để thế chấp vay tiền với số tiền là 200 triệu đồng. Hiện tại vợ chồng tôi đang ly thân, anh ta nói sẽ đòi chia tài sản nếu như tôi ly hôn. Cho tôi hỏi, anh ta giả mạo chữ ký của tôi để vay tiền có phạm pháp không? Nếu như tôi ly hôn thì quyền sử dụng của mảnh đất nêu trên có phải chia cho anh ta không?

 

Thứ nhất: Hành vi giả mạo chữ ký để vay tiền ngân hàng của chồng chị là hành vi trái pháp luật.

 

Giao dịch dân sự giữa chồng chị và ngân hàng là giao dịch dân sự vô hiệu.

Căn cứ theo quy định tại Điều 127 Bộ Luật dân sự 2015: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.”

Chị có thể làm đơn lên Tòa án yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch dân sự giữa chồng chị và ngân hàng là vô hiệu.

Hành vi của chồng chị có thể bị ngân hàng kiện vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015

  1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Có tính chất chuyên nghiệp;

    c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    d) Tái phạm nguy hiểm;

    đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

    g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

    c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

  4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

    c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

  5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối, làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

Về khách thể: Hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác.

Mặt chủ quan: Thực hiện với lỗi cố ý. Chồng chị đã có suy tính từ đầu, vì vậy nên đã làm giả chữ ký của chị và sau đó đến ngân hàng vay tiền.

Về hành vi khách quan: Dùng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tài sản của người khác.

–  Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Chồng chị đã giả chữ ký của chị để vay tiền của ngân hàng, gian dối đưa ra thông tin giả, chữ ký giả để ngân hàng giao tiền.

–  Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối. Chồng chị bằng thủ đoạn gian dối của mình đã lừa dối ngân hàng và chiếm giữ số tiền đã vay được. Hành vi chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng gắn liền với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Hành vi của chồng chị có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự. Theo căn cứ trên, ngân hàng hoàn toàn có thể kiện chồng chị về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

 Thứ hai: Về vấn đề chia tài sản nếu ly hôn

Theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

  1. “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

  1. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

  1. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

  2. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

  1. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

  2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật này: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

Theo các quy định trên, quyền sử dụng đất mà chị có được sau khi kết hôn sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng. Nếu chị nêu được những căn cứ chứng minh rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này là do bố mẹ tặng cho riêng chị thì nó sẽ được coi là tài sản riêng mà không phải thực hiện chia tài sản chung theo quy định trên.

TÌM KIẾM TIN TỨC