Theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 của Luật Hộ tịch “Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật này: Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.”
Chiếu theo quy định của pháp luật nêu trên, trường hợp bạn còn đăng ký hộ khẩu thường trú ở quê nhà thì bắt buộc bạn phải đăng ký việc kết hôn tại UBND cấp xã nơi bạn có đăng ký hộ khẩu thường trú. Còn trường hợp bạn không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì bạn mới được đăng ký kết hôn tại nơi bạn đăng ký tạm trú (Q. Gò Vấp, TP.HCM).
Theo Điều 7 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ về CMND quy định công dân được sử dụng CMND của mình làm chứng nhận nhân thân và phải mang theo khi đi lại, giao dịch; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát. Số CMND được dùng để ghi vào một số loại giấy tờ khác của công dân.
Trường hợp của bạn, bạn có thể làm đơn liên hệ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để được xác nhận trước đây bạn đã được Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cấp CMND số… nhằm tạo thuận lợi và hợp pháp khi bạn sử dụng các loại giấy tờ, chứng từ có ghi số CMND cũ.