Điều trị tai nạn lao động quá lâu có bị chấm dứt hợp đồng lao động không?
Theo như bạn trình bày, bạn bị tai nạn lao động và phải nằm viện điều trị thời gian khá là dài, bạn lo sợ công ty sẽ chấm dứt hợp đồng với bạn, tuy nhiên, việc chấm dứt hợp đồng lao động cũng phải đạt những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật, theo đó thì có những trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động được quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 như sau:
Điều 37. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
“1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Như vậy, theo quy định tại Khoản 1, điều 37, Bộ luật lao động năm 2019 thì khi người lao động bị tai nạn lao động đang điều trị theo quyết định của cơ sở khám bệnh thì người sử dụng lao động không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động để bảo đảm việc làm cho người lao động, thực hiện nguyên tắc bảo vệ người lao động. Tuy nhiên trường hợp này có ngoại lệ tại điểm b, khoản 1, điều 36 như sau:
Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.”
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;”
Như vậy, có trường hợp ngoại lệ đó là khi bạn điều trị tai nạn lao động quá lâu, không đáp ứng được nhu cầu cần lao động của người sử dụng lao động, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động sẽ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Với trường hợp của bạn, bạn ký hợp đồng lao động xác định thời hạn là 3 năm, khi đó, nếu bạn điều trị 6 tháng liên tục đối với hợp đồng xác định thời hạn, người sử dụng lao động sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn. Bạn đã điều trị được 5 tháng, nếu điều trị thêm mà vẫn chưa bình phục thì người sử dụng lao động hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn. Tuy nhiên, bạn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động khi sức khỏe bạn bình phục sẽ làm công việc khác, tiếp tục giao kết hợp đồng.