Các tội phạm xâm phạm về sở hữu

Vướng mắc bất cập chủ yếu hiện nay đối với nhóm tội này là quy định về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 175), cụ thể như sau:
Thứ nhất, Điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó”.
Yếu tố “Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” vẫn chưa được giải thích, hướng dẫn cụ thể. Trong thực tiễn, một người sau khi vay, mượn, thuê tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn, nhưng để chứng minh họ có bỏ trốn, nhằm chiếm đoạt tài sản hay không là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, nên đã phát sinh nhiều quan điểm khác nhau. Trong khi đó, thực tế đã chứng minh, không phải tất cả mọi trường hợp bỏ trốn đều có ý thức chiếm đoạt tài sản. Đây là vấn đề cần phải được làm rõ để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được chính xác không bỏ lọt tội phạm và xảy ra oan sai.
Thứ hai, Tại điểm b khoản 1 Điều 175 BLHS quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.
Như vậy, chỉ các trường hợp người nhận được tài sản đã sử dụng tài sản đó vào “mục đích bất hợp pháp”, như: buôn lậu, mua bán ma túy, đánh bạc,… dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, mới bị coi là phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Còn đối với các trường hợp vay, mượn tiền với số lượng lớn, sau đó sử dụng vào việc ăn chơi, tiêu xài hoang phí dẫn đến không khả năng trả nợ, lại không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ, vì việc dùng tiền vay, mượn để ăn chơi, tiêu xài… tuy có trái với đạo đức xã hội nhưng lại không được xem là việc làm “bất hợp pháp”.
Thực tế hiện nay, các vụ vỡ nợ, hụi lên đến hàng tỷ đồng xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhưng việc xử lý hình sự các trường hợp này lại gặp nhiều khó khăn, do vướng mắc nêu trên, do đó trong thời gian sắp tới nên xem xét điều chỉnh lại quy định về “sử dụng vào mục đích bất hợp pháp” nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

TÌM KIẾM TIN TỨC