Trong quá trình lao động, dù người lao động vô tình hay cố ý gây thiệt hại tài sản cho công ty đều phải có trách nhiệm bồi thường. Để giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn, công ty ACC sẽ làm rõ hơn vấn đề sau bài viết dưới đây.
Trong một quan hệ lao động, khi người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) xác lập quan hệ lao động thì cùng với đó, giữa họ xuất hiện một quan hệ nghĩa vụ. Nghĩa vụ này các bên có thể tự thỏa thuận với nhau hoặc thực hiện theo pháp luật dựa vào hợp đồng lao động. Do đó, khi một bên vi phạm nghĩa vụ (không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ) gây thiệt hại cho bên kia thì phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp luật đã dự liệu trước đó, gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trong các quan hệ được luật lao động điều chỉnh cũng có thể xảy ra những hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ đó, bởi khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, NLĐ khó có thể tránh khỏi những sơ suất, vô ý gây thiệt hại cho NSDLĐ hoặc NSDLĐ vì một lý do nào đó như lợi nhuận mà vi phạm những thỏa thuận trong HĐLĐ gây ra thiệt hại cho NLĐ.
Để ngăn chặn và khắc phục hậu quả của những hành vi gây ra thiệt hại, Nhà nước sử dụng các biện pháp khác nhau trong đó bồi thường thiệt hại có thể được coi là một phương tiện pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ lao động.
Như vậy, có thể hiểu, bồi thường thiệt hại trong luật lao động là một loại trách nhiệm pháp lý phát sinh khi một bên trong quan hệ lao động có hành vi vi phạm nghĩa vụ thiệt hại cho bên kia nhằm khôi phục tình trạng tài sản, bù đắp về tổn thất, tinh thần và sức khỏe cho người bị thiệt hại.
Điều 130 Bộ luật Lao động 2012 đặt ra 02 trường hợp người lao động phải bồi thường thiệt hại cho công ty:
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
Theo Điều 32 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, tùy thuộc vào tình trạng thiệt hại mà người lao động phải bồi thường nhưng không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế, cụ thể:
– Bồi thường tối đa 03 tháng lương: Khi sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng.
Việc bồi thường được thực hiện bằng hình khấu trừ không quá 30% tiền lương hàng tháng sau khi trích nộp các khoản bắt buộc.
– Bồi thường một phần hoặc toàn bộ theo giá thị trường: Khi thuộc một trong các trường hợp:
+ Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên;
+ Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động;
+ Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động.
– Bồi thường theo thỏa thuận: Khi giữa người sử dụng lao động và người lao động có hợp đồng trách nhiệm (thường người sử dụng lao động giao cho người lao động tài sản có giá trị tương đối lớn).
– Không phải bồi thường: Khi xảy ra các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện khách quan không thể lường trước và không thể khắc phục.
Trách nhiệm bồi thường cho công ty khi gây thiệt hại là điều tất yếu, không chỉ bảo vệ tài sản cho người sử dụng lao động mà còn bảo đảm, duy trì nề nếp, kỷ luật trong mỗi đơn vị. Nếu bạn có thắc mắc liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại cho công ty, hãy liên hệ trực tiếp với ACC Group.